“Bánh mì đây, bánh mì Sài Gòn đặc biệt thơm bơ, bánh mì Sài Gòn một ngàn một ổ”, những ai thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X chắc hẳn không hề xa lạ gì với tiếng rao bánh mì thân thương khắp các con đường ở Sài Gòn hay các bến xe miền Tây, Chợ Lớn, bến ghe, ga tàu,... Bánh mì ngày xưa thường có kích thước khá lớn, ngào ngạt hương bơ, đựng trong cái bội cần xé, bao bọc ở ngoài để giữ bánh mì lâu nguội chính là chiếc bao bố cũ. Quên gì thì quên, mua gì thì mua chứ đi Sài Gòn là nhất định phải có vài ổ bánh mì về làm quà cho người thân, xóm giềng. Tuy chuyến xe xa, bánh mì mất đi độ nóng giòn nhưng hương vị thơm ngon là không gì thay đổi.

Bánh mì xưa có kích thước khá dài, là thức quà nhất định phải mua của những ai tới Sài Gòn. Ảnh Tuổi trẻ, Pinterest
Chỉ là ổ bánh mì không vậy mà ai cũng thích, thích đến nỗi thức quà này nghiễm nhiên chiếm vị trí số 1 trong lòng bao người. Khi cầm ổ bánh mì thơm bơ trên tay, người ta sẽ ngắt từng khúc chia cho trẻ nhỏ. Đón lấy khúc bánh mì, đứa nào đứa nấy mắt long lanh, khoái chí cười giòn tan. Chỉ bấy nhiêu thôi đủ khiến chúng vui cả ngày, thậm chí trở thành kỷ niệm tồn tại mãi với thời gian.

Niềm hạnh phúc của trẻ con ngày xưa chính là cầm trên tay khúc bánh mì nóng giòn, thơm béo vị bơ sữa. Ảnh Along Walker
Hình ảnh chiếc bánh mì trong ký ức người Sài Gòn
Suốt 2 mùa mưa nắng, suốt những năm tháng dãi dầu, người bán bánh mì hồi xưa có chung một đặc điểm là cột chiếc cần xé lớn vô yên sau xe đạp, bánh mì xếp đầy trong đó, phủ bao bố lên trên rồi chạy khắp các con hẻm lớn nhỏ ở Sài Gòn. “Bánh mì đây, bánh mì nóng giòn đây”, tiếng rao cùng với tiếng xe đạp cọc cạch, mùi bánh mì thơm thơm đã trở thành một phần ký ức tuyệt vời trong lòng bao thế hệ.

Những chiếc xe chở bánh mì kèm theo tiếng rao mộc mạc thân thương. Ảnh Tuổi trẻ
Từ đám giỗ, đám cưới, thôi nôi đầy tháng, đám lớn đám nhỏ gì, món nào không có thì được du di cho qua nhưng bánh mì là nhất định không thiếu. Cà ri, lagu, heo quay, bò kho,... phải có ổ bánh mì giòn giòn để kế bên mới gọi là đủ đầy. Thậm chí khi dâng mâm lên cúng, ổ bánh mì được xếp dĩa riêng đặt trên bàn thờ một cách đầy cẩn thận. Có lẽ, bánh mì là một trong số ít những món ăn có mặt hầu hết các hoạt động đời sống người Việt, vừa là món ăn chơi, vừa ăn thiệt, vừa ăn không vừa ăn kèm với bất cứ nguyên liệu nào tùy thích.

Đám tiệc dù lớn hay nhỏ đều không thể thiếu bánh mì. Ảnh Phụ nữ Online
Nghe nói người Sài Gòn xưa thích ăn bánh mì không, tức là cầm ổ bánh mì, chậm rãi xé từng miếng đưa lên miệng để cảm nhận trọn vẹn cái vị giòn tan, thơm béo, đặc biệt lớp ruột mềm mịn ấm nóng là thứ dễ khiến người ta ghiền nhất. Ai có điều kiện thì mua thêm hộp sữa đặc chấm chung, hoặc rắc xíu đường cát trắng là không gì ngon bằng.
Nhưng thời nay ít ai ăn bánh mì không, có nhiều nguyên nhân để giải thích nhưng một số đó thì người ta cho rằng ổ bánh mì bây giờ không nướng bằng than củi như ngày xưa nên độ thơm ngon cũng như hơi nóng không còn được đậm đà trọn vẹn. Bánh mì càng công nghiệp lại càng mất đi vị ngon vốn có của nó. Thời buổi này kiếm ổ bánh mì nướng than chuẩn vị như thời ông bà ta coi bộ khó.

Người ta ghiền ăn bánh mì không để cảm nhận trọn vẹn hương vị. Ảnh Daytourshanoi
Nguồn gốc bánh mì Sài Gòn
Bánh mì có ở mọi nơi, nhưng bánh mì Sài Gòn vẫn là điều gì đó đặc biệt vô cùng. Ai đã từng đứng xếp hàng chờ đợi ổ bánh mì lò củi mới hiểu cảm giác hạnh phúc khi cầm ổ bánh mì ấm nóng, giòn tan trên tay. Một nỗi lo lắng rất dễ thương phát sinh lúc này chính là sợ bánh mì nguội sẽ mất đi độ ngon nên nhanh tay nhanh chân mang về nhà thưởng thức. Ổ bánh mì ngon là ăn không cũng dư sức ngon chứ không cần kèm theo pate chả lụa hay bất kỳ thứ gì khác.

Ổ bánh mì mở đầu ngày mới là thú vui của người dân Sài Gòn. Ảnh Internet
Ít ai nhớ bánh mì xuất hiện tại nước ta từ bao giờ, nhưng theo nhiều tài liệu cho biết, bánh mì có từ năm 1859 do người Pháp du nhập vô. Những chiếc bánh mì đầu tiên được người Pháp mang tới là: bánh mì đồng quê (pain de campagne), bánh mì hình tròn, hình bầu dục gọi là le pain rond, le complet, le bâtard,... Ở trong Nam người ta gọi với cái tên ngắn gọn và gần gũi là bánh mì ổ, còn ngoài Bắc là bánh tây. Tiệm bánh mì ở Hà Nội có lẽ được ghi nhận sớm nhất trong một bài viết năm 1885 của A. Bléton khi viết về phố Hàng Khảm (Hàng Khay và Tràng Tiền ngày nay). Đây cũng là con phố đầu tiên được trải đá dăm và xuất hiện các cửa hàng bán bánh mì theo kiểu Pháp.

Nguồn gốc bánh mì nước ta xuất phát từ Pháp. Ảnh Internet
Thuở mới “nhập cư”, bánh mì của người Pháp vẫn giữ nguyên vẹn phong cách dùng muỗng và nĩa, ngồi bàn cắt xẻ có phần không phù hợp với lối sinh hoạt của người Việt. Cũng vì vậy, dao thìa muỗng nĩa từ từ được dẹp gọn, thay vào đó là nhồi hết nhân vô trong ruột bánh, quấn bên ngoài bằng tờ lá chuối, giấy báo, tờ lịch hoặc tờ giấy học trò, thêm cọng thun cột lại nữa là chắc chắn. Cầm ổ bánh mì vừa ăn, vừa lo công chuyện, buổi sáng nhanh gọn vậy chứ đủ no lắm à.
Bánh mì và cà phê là sự kết hợp tạo nên bữa sáng hoàn hảo. Ảnh Vnexpress
Ai có hầu bao dư dả chút thì mua bánh mì thịt ram, thịt quay, lạp xưởng, xá xíu, pate, chả lụa,... ai hết tiền thì chỉ cần khúc bánh mì giòn rụm với miếng đường tán hay hạt muối mặn mặn vẫn ngon. Nói chung, bánh mì thời xưa nướng than củi với công thức pha bột được gia giảm từ công thức bánh mì Pháp chánh gốc nên hương vị thơm ngon, ăn không hay ăn kèm với món nào cũng được. Bánh mì không cầu kỳ, nhân dồi trong bánh từ bình dân đến xa xỉ kiểu nào cũng ngon.
Thương hiệu bánh mì vang bóng một thời
Càng ngày, loại bánh lạ lẫm này càng lan rộng ra các tỉnh miền Tây Nam Bộ và ra tận ngoài Bắc. Gây ấn tượng với người dân khắp Nam Kỳ Lục tỉnh bởi mùi hương thơm ngon của bột mì nướng, bên ngoài lớp vỏ vàng ươm giòn rụm, bên trong ruột trắng mịn và xốp. Thời bấy giờ mua ổ bánh mì mới ra lò, nhanh tay bẻ đôi cảm nhận được độ giòn, vừa thổi vừa ăn mới thấy mỹ vị nhân gian chính là đây.

Một quầy bán bánh mì Sài Gòn năm 1950. Ảnh tư liệu - Tuổi trẻ
Ai gốc Sài Gòn chắc đều đã từng nghe qua cái tên lò Bánh mì Nguyễn Ngọ. Đây từng là thương hiệu xếp vào danh mục điểm tâm cao cấp, xa xỉ bởi không phải muốn là có thể mua được. Khác với những loại bánh mì có nhân thịt khìa, thịt nướng hoặc bì chả, Bánh mì Nguyễn Ngọ định hình phần nhân vô cùng đặc biệt và cũng là nét riêng không lẫn lộn vào bất kỳ lò bánh mì nào khác.

Lò Bánh mì Nguyễn Ngọ nổi tiếng một thời. Ảnh Tuổi trẻ
Nhiều người hoài niệm về một thời lừng lẫy của thương hiệu bánh mì cao cấp Nguyễn Ngọ. Nhân bánh mì bao gồm bơ, pate, thịt nguội, chà bông, đồ chua, hành ớt. Một miếng bánh mì khi thực khách cắn vào sẽ có vị ngọt bùi tinh bột của bánh, vị béo ngậy của bơ và pate, vị ngọt ngon thơm của thịt nguội và jambon, chả lụa hay gà xé, vị chua trung hòa của củ cải cà rốt ngâm giấm, vị hăng cay của hành ớt,... Trong đó, điểm khác biệt của tiệm này chính là loại nhân pate gà trứ danh, đây cũng chính là khẩu hiệu cho tiệm tự đặt cho mình: “Đệ nhất bánh mì pate gà”. Vị ngon từ pate gà dư sức khiến thực khách nhớ hoài hương vị trong lần đầu thưởng thức, xứng đáng với danh xưng mà người đời truyền tai nhau là “tiệm bánh mì đình đám nhất thời bấy giờ”.

Những xe bánh mì bán rong trên đường phố Sài Gòn. Ảnh Nam Kỳ Lục Tỉnh
Bánh mì Nguyễn Ngọ ngày xưa gắn liền trong ký ức của rất nhiều người Sài Gòn, khiến người ta lưu luyến mỗi khi nhắc tới. Học trò sẽ nhớ những ngày vừa nhâm nhi bánh mì vừa rôm rả chuyện trường lớp; người lớn nhớ ổ bánh mì lấp đầy bụng đói trước mỗi sáng đi làm; người nội trợ nhớ vị pate gà thơm ngon mà có suy nghĩ hoài vẫn không thể làm sao cho giống.
Bên cạnh Bánh mì Nguyễn Ngọ, Sài Gòn vào những năm 1960 còn có các thương hiệu bánh mì nổi tiếng khác như: Hòa Mã ở Cao Thắng, Hương Lan trước cổng Bưu điện,... Ngày nay, bánh mì Huỳnh Hoa, bánh mì Bùi Thị Xuân, bánh mì gà An An, bánh mì Cô Điệp, bánh mì Ngọc Mai,... những tiệm bánh mì này ít nhiều đều tạo được ấn tượng trong lòng thực khách Sài Gòn và cho cả du khách quốc tế.

Bánh mì Hòa Mã, Bánh mì Hương Lan đã từng là những thương hiệu nổi tiếng ở Sài Gòn. Ảnh Nam Kỳ Lục Tỉnh
Vang danh quốc tế
Vào ngày 15/3/2024, chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Taste Atlas đã công bố danh sách bình chọn, trong đó, bánh mì Việt Nam được đánh giá cao nhất với 4,6/5 sao trong 100 món bánh mì kẹp ngon nhất thế giới. Chuyên trang này cũng giới thiệu bánh mì Việt Nam có cách phát âm là “bun mee”, kế thừa di sản Pháp và Trung Quốc.

Bánh mì Việt Nam cùng những thành tích đáng tự hào. Ảnh Banhmimahai
Ngày 24/3/2011, thuật ngữ “banh mi” đã được công nhận trong từ điển tiếng Anh Oxford, xác nhận là danh từ riêng dành cho món ăn Việt Nam. Cũng vì vậy, bánh mì không còn là cái bóng của bánh baguette Pháp, trở thành món Việt và của người Việt.
Du khách từ bất cứ nơi đâu trên thế giới khi đến thăm đất nước hình chữ S xinh đẹp đều mong muốn thưởng món bánh mì đường phố. Đặc biệt là Sài Gòn, thành phố xinh đẹp nhìn đâu đâu cũng thấy các cửa hàng, xe bánh mì lớn nhỏ, du khách không cần đi xa vẫn có thể sở hữu ổ bánh mì thơm ngon giòn rụm mà giá cả chưa tới 1 đô la.

Những ổ bánh mì được gánh đi bán khắp nơi luôn có sức hấp dẫn tuyệt đối trong lòng người Việt và khách quốc tế. Ảnh Vietravel
Năm 2018, H’Hen Niê khiến fan sắc đẹp quốc tế vô cùng ấn tượng trước màn trình diễn trang phục dân tộc tại đấu trường Miss Universe. Người đẹp cùng ê-kíp của mình đã rất thành công khi mang bánh mì quảng bá tại sân chơi lớn, đồng thời giúp du khách quốc tế một lần nữa biết đến nét đặc sắc của ẩm thực Việt. Sau đêm diễn ấn tượng, trang phục bánh mì nhận được “cơn mưa” lời khen từ khán giả quốc tế. Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng khi nhắc đến màn trình diễn “Bánh mì”, khán giả vẫn nhớ và không ngừng dành lời khen cho nàng hậu lẫn nhà thiết kế Phạm Phước Điền vì sự sáng tạo độc đáo và tình yêu dành cho ẩm thực nước nhà.

Hoa hậu H'Hen Niê mang bánh mì ra đấu trường nhan sắc quốc tế. Ảnh Tiền Phong, Ngoisao.net
Về phía mình, Hoa hậu H’Hen Niê cho biết: “Tại cuộc thi Miss Universe 2018, nhiều thí sinh và quản lý thí sinh hay gọi H'Hen là Miss Bánh mì. H'Hen nghĩ Bánh mì đã trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình của mình ở Hoa hậu Hoàn vũ năm đó. Với bộ trang phục này, H'Hen nhớ lại những kỷ niệm ngày bé, ước ao sau này mình có một xe để bán. Lớn lên thì H'Hen diện luôn bộ Bánh mì lên người”.

Người đẹp có tình yêu mãnh liệt dành cho bánh mì. Ảnh Thanh niên
Từ các tuyến đường lớn, mặt bằng đắc địa tại trung tâm hay len lỏi giữa các con ngõ nhỏ, đâu đâu cũng thấy xe bánh mì được bày bán. Các dì, các chị với đôi tay thoăn thoắt cắt dưa, xắt thịt, nhồi nhân bánh mì cho khách. Thức ăn đường phố này dao động chỉ từ 10.000 - 25.000 đồng/ổ nhưng lại là bữa sáng ngon lành, đủ no. Dù là người lớn hay trẻ nhỏ, bánh mì vẫn là sự lựa chọn hợp lý cho ngày mới.
“Những khách Tây như chúng tôi khi nghĩ về món bánh mì của Việt Nam thường rất ấn tượng vì chiếc bánh đầy đặn nhân này, không chỉ nhiều pate, còn có thêm dưa leo, jambon, các loại rau thơm, nước sốt hay tương ớt nữa. Giá cả thì cực kỳ bình dân, thậm chí chưa tới 3 đôla. Hãy nếm thử hương vị của bánh mì một lần nhé, theo cảm nhận của tôi là cực kỳ ngon”, một nam du khách nước ngoài hào hứng chia sẻ.
Một nữ du khách khác lại bày tỏ: “Chúng tôi đang có mặt tại Sài Gòn và đang chuẩn bị thưởng thức một trong những món ăn của Việt Nam mà được nhiều khách du lịch quốc tế biết đến nhất, đó là bánh mì. Việt Nam có rất nhiều món ăn đường phố rất ngon. Nhưng khi hỏi các du khách nước ngoài, thì đa phần mọi người đều nhắc đến bánh mì - món ăn gần như xuất hiện ở khắp các ngõ ngách, đường phố ở Việt Nam.”

Thủ tướng Australia và du khách quốc tế rất yêu thích bánh mì. Ảnh Vnexpress, Internet
Trải qua bề dày lịch sử với biết bao thăng trầm thời cuộc, bánh mì vẫn mãi là một phần không thể thiếu trong đời sống người Việt, là điểm nhấn thú vị trong lòng du khách quốc tế. Món ăn này cũng là một phần đáng yêu của Sài Gòn và người Sài Gòn.
Ngồi buồn gặm ổ bánh mì
Mùi thơm chả quế thầm thì bên tai
Bánh mì hương vị mặn mà
Bỏ tình anh gặm mì gà ba-tê
Bánh mì xá xíu ai chê
Lại thêm xíu mại cho “phê” cõi người
“Xì dầu” anh xịt đã đời
Thừa thiên “ớt hiểm” cho vừa xót xa
Bánh mì thịt nguội có hành
Mua năm tặng một cả làng anh quơ
Cho dù người có thị phi
Yêu đời anh “xực” bánh mì mà thôi…???