Ẩn mình trong những khu rừng nhiệt đới rậm rạp của Papua, Indonesia, là một bộ tộc độc đáo với lối sống khác biệt: Tộc người Korowai. Nổi tiếng với kỹ năng cất nhà trên cây cao chót vót, họ đã thu hút sự tò mò của giới khoa học và du khách trong nhiều thập kỷ.
Người Korowai hay còn gọi là Koroway, Kolufo là một dân tộc bản địa cư trú trong những cánh rừng ở cực đông của tỉnh Papua, Indonesia. Người Korowai được phát hiện vào những năm 1970 do một người truyền giáo đến từ Hà Lan. Họ cư trú chủ yếu trong một khu rừng nhiệt đới cách vùng biển nội địa Arafura 150km.
Những ngôi nhà trên cây vô cùng độc đáo của người Korowai. Ảnh Internet
Người Korowai sống hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Họ gồm một cộng đồng nhỏ các thành viên sống theo từng gia đình, mọi người trong cộng đồng tụ tập với nhau cùng săn bắt và trồng trọt. Đàn ông cởi trần đóng khố, phụ nữ mặc váy kết từ cỏ. Cuộc sống tự cung tự cấp còn thể hiện ở chỗ người Korowai tự làm nhà theo cách của họ. Những căn nhà này độc đáo đến mức đã có một số lý do giải thích tại sao họ chọn sống trên cây dù có muôn vàn bất tiện.
Người ta làm một chiếc thang để thuận tiện lên xuống ngôi nhà trên cây. Ảnh Internet
Những ngôi nhà của người Korowai có chiều cao từ 6 đến 35 mét so với mặt đất và được làm trên ngọn cây. Lý giải cho việc này, nhiều ý kiến cho rằng ngôi nhà sẽ giúp họ tránh khỏi các loài động vật hoang dã nguy hiểm như rắn, lợn rừng, cá sấu. Thứ hai, nhà trên cây sẽ giúp họ thoát khỏi muỗi, côn trùng và các dịch bệnh nguy hiểm. Lý do thứ ba là bởi họ tin rằng linh hồn tổ tiên sẽ bảo vệ họ tốt hơn khi họ chọn sống trên cao.
Kỹ năng xây dựng nhà trên cây của người Korowai là một minh chứng cho sự thông minh và khả năng thích nghi của họ với môi trường sống khắc nghiệt. Họ sử dụng các vật liệu sẵn có trong rừng như gỗ, tre, lá cây để dựng nhà. Mỗi ngôi nhà có thể mất đến vài tháng để hoàn thành và có thể là nơi sinh sống của nhiều gia đình trong nhiều năm.
Khi chọn được cây phù hợp, phần ngọn cây sẽ được đốn bỏ. Ảnh Internet
Cuộc sống của người Korowai trên cây diễn ra một cách bình dị. Họ chọn nơi có thân cây to lớn để làm trụ cột chính cho ngôi nhà. Khi chọn được cây vừa ý, họ sẽ đốn bỏ phần ngọn và bắt đầu làm nhà. Đầu tiên, phần sàn nhà sẽ được đan từ các nhánh cây. Sau khi xong, họ bắt đầu vây kín các phía, cuối cùng mới lợp mái. Để vững chắc hơn, họ thường chống thêm các cột trụ quanh nhà và gia cố rất vững chắc với sức chứa lên đến 12 người.
Mỗi ngôi nhà của người Korowai sẽ có tuổi thọ tối đa 5 năm, là nơi cư trú của toàn bộ các thành viên trong gia đình, bao gồm vật nuôi. Những ngôi nhà sẽ ngăn cách bởi một vách ngăn để đảm bảo không gian riêng tư cho đàn ông và phụ nữ. Người Korowai xem lửa là lối nguy hại rất lớn đối với những ngôi nhà dễ cháy này. Bởi vậy, họ sẽ bố trí khu vực đốt lửa riêng, và có thể cắt đứt hoàn toàn với nhà chính để hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra.
Ngôi nhà được xây dựng vô cùng khéo léo. Ảnh Internet
Mặc dù sống tách biệt với thế giới bên ngoài trong nhiều thế kỷ, nhưng người Korowai ngày càng có nhiều tiếp xúc với người ngoài. Một số người trong bộ tộc đã học tiếng Indonesia và bắt đầu giao thương với các khu định cư lân cận. Du lịch cũng đang phát triển ở khu vực này, thu hút du khách đến khám phá cuộc sống độc đáo của người Korowai.
Người Korowai bao đời qua gắn liền với khu rừng và phong tục tập quán của họ. Nhưng cuộc sống ngày càng thay đổi, họ rời rừng xanh và những ngôi nhà trên cây để sống trong những ngôi làng định cư được dựng lên ven dòng sông Walop và sông Becking, cách không xa nơi những thổ dân này sống ban đầu. Ngày càng nhiều ngôi làng mới cho người Korowai mọc lên như làng Mu, Jaim, Mbasman, Yafufla, Mabul, Ferman… Những ngôi nhà này dựng trên cọc cao 2 mét, người Korowai tập dùng dụng cụ lao động, đến trường học và tiếp xúc nhiều hơn với xã hội hiện đại.
Những ngôi nhà trên cây dần không còn là nơi sinh sống mà trở thành địa điểm du lịch. Ảnh Internet
Hiện tại, bộ tộc Korowai chỉ còn lại khoảng 3.000 người. Sự giao thoa với thế giới bên ngoài cũng mang đến những nguy cơ và thách thức cho người Korowai. Việc tiếp xúc với người ngoài có thể khiến họ mắc các bệnh truyền nhiễm mà họ chưa từng gặp trước đây. Phong tục tập quán của họ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi văn hóa bên ngoài.
Tộc người Korowai là một ví dụ điển hình cho sự đa dạng văn hóa của con người. Lối sống độc đáo của họ là một kho tàng kiến thức quý giá cần được bảo tồn. Tuy nhiên, họ cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức trong quá trình hòa nhập với thế giới bên ngoài. Việc bảo vệ văn hóa và giúp họ thích nghi với cuộc sống mới là trách nhiệm chung của cộng đồng.
Tổng hợp