Nhật Bản tiếp cận giải pháp phát triển du lịch dành cho người khuyết tật

Theo trang SCMP, Nhật Bản đã có những bước tiến lớn trong việc tiếp cận du lịch thân thiện cho mọi người, đặc biệt thu hút số lượng lớn những người khuyết tật đến quốc gia này.

Nhật Bản hiện là điểm đến du lịch hấp dẫn hơn bao giờ hết khi du khách quốc tế thường lựa chọn quốc gia này là điểm đến hấp dẫn dành cho tất cả mọi người. Trong nửa đầu năm nay, có khoảng 1,3 triệu người từ Hong Kong (Trung Quốc) đã đến thăm đất nước này.

Du lịch Nhật Bản dành cho mọi người. Ảnh: Wang-luo Su Lan/SCMP


Đối với những du khách khuyết tật, có chế độ ăn kiêng hoặc cần chỗ ở dễ tiếp cận, đi du lịch thường tạo nên một số rào cản lớn khiến họ lưỡng lự.

Ông Josh Grisdale - một người Canada đã sống ở Nhật Bản từ năm 2007, nhìn thấy những thách thức mà một số du khách khuyết tật phải đối mặt khi đi du lịch. Là một người bị liệt tứ chi, từng được chẩn đoán mắc bệnh bại não khi còn nhỏ, anh đã sử dụng xe lăn điện từ khi 3 tuổi.

"Nhiều du khách không thể thích nghi với cuộc sống thường ngày ở Nhật Bản. Nhiều người cũng xem Nhật Bản là một đất nước bí ẩn với cả yếu tố cổ xưa và hiện đại. Điều này cũng là nguyên nhân khiến Nhật Bản trở nên khó tiếp cận đối với du khách khuyết tật, và những thành phố hiện đại nhộn nhịp có vẻ quá sức chịu đựng của họ", ông Josh Grisdale nói.

Với mong muốn hỗ trợ người khuyết tật có cơ hội đi du lịch, ông Grisdale đã sáng lập Accessible Japan, một trang web cung cấp thông tin và tư vấn bằng tiếng Anh cho du khách khuyết tật.

Accessible Japan cũng tham gia diễn đàn trên TabiFolk, một mạng xã hội toàn cầu dành cho du lịch dễ tiếp cận, nơi trả lời các câu hỏi và đưa ra lời khuyên về mọi thứ, từ các môn thể thao mùa đông dành cho người khuyết tật và việc xin nhãn dán xe lăn cho xe thuê cho đến giá cả.

Ông Grisdale cho biết nhiều người đã nói rằng họ không thể dễ dàng đi du lịch ở Nhật Bản. Nhưng điều đó hoàn toàn không đúng.

Accessible Japan đã hợp tác với công ty lữ hành chuyên nghiệp TokudAw, công ty này cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khách du lịch khuyết tật, bao gồm trợ lý điều dưỡng được chứng nhận (có thể giúp khách hàng làm những việc như sử dụng phòng tắm, tắm rửa, mặc quần áo); phiên dịch viên và hướng dẫn viên.

Công ty TokudAw được thành lập vào năm 2020 bởi Wanping Aw, một người Singapore yêu thích các mùa riêng biệt và văn hóa đại chúng của Nhật Bản. Bà Wanping Aw cho biết đã thấy những cải thiện lớn trong dịch vụ du lịch dễ tiếp cận tại quốc gia này kể từ khi bà chuyển đến Nhật Bản vào năm 2008.

"Nhật Bản cung cấp các dịch vụ khá tốt cho những người khuyết tật, đặc biệt là hệ thống đường sắt Shinkansen (tàu siêu tốc), có toa tàu dành riêng cho người dùng xe lăn. Nếu bạn cho nhà ga biết bạn là người dùng xe lăn khi mua vé, họ sẽ sắp xếp người đưa bạn đến sân ga và có người giúp bạn xuống tàu khi kết thúc hành trình", bà nói thêm.

Bà Wanping Aw cho biết các hỗ trợ sẽ luôn đáp ứng kịp thời và đầy đủ đối với những du khách có yêu cầu cụ thể.

Dịch vụ tốt hỗ trợ người khuyết tật

Cặp đôi khách du lịch Australia là Fiona và Ben Teague đã bày tỏ ấn tượng sâu sắc với chuyến đi đến Nhật Bản năm nay.

Cặp đôi này đến Nhật Bản vào tháng 10/2024 trong chuyến thăm kéo dài 9 đêm - ba năm sau khi Fiona mắc bệnh nhiễm trùng huyết, khiến cô phải cắt cụt chân.

"Ngoài một số vấn đề với bậc thang trong phòng tắm khách sạn và tình trạng thiếu ghế ngồi ở nơi công cộng, chuyến đi hoàn toàn tích cực", bà cho biết.

"Các bậc thang trên thuyền trên Hồ Kawuguchiko, gần Núi Phú Sĩ có khu vực dành cho xe lăn của người khuyết tật. Vỉa hè cũng luôn sẵn có lối đi riêng của người khuyết tật và dễ di chuyển", bà cho biết.

Trong khi đó, Wang-luo Su Lan, một người phụ nữ 85 tuổi đến từ Đài Loan (Trung Quốc) từng rất lo lắng chuyến đến Nhật Bản do tuổi tác và đôi chân yếu. Nhưng vì gia đình bà đã lên kế hoạch nên bà quyết định tham gia cùng họ và nhờ công ty TokudAw giúp đỡ.

"Tôi đã rất già và không thể đi phương tiện công cộng. Tôi không biết cách sử dụng Internet hoặc cách hỏi thông tin về việc đi lại. Và tôi không thể nói tiếng Nhật", bà nói.

Công ty này đã cung cấp hướng dẫn viên hỗ trợ bà lập kế hoạch cho hành trình, bao gồm cả phương tiện đi lại và chỗ ở. Họ cũng sắp xếp một con đường đặc biệt cho xe lăn để đi qua tuyết trên Tuyến đường Tateyama Kurobe Alpine, một tuyến đường tham quan trên núi cao ở dãy Alps phía Bắc của Nhật Bản, cũng như một chiếc ghế ngồi khi nhóm chờ cáp treo.

"Tôi không thể vào bồn tắm onsen [suối nước nóng] lớn cùng với những người còn lại trong gia đình vì sợ trơn trượt và tôi có thể ngã, vì vậy tôi đã tận hưởng một suối nước nóng riêng tư thay thế. Người Nhật rất tốt với tôi và bất cứ khi nào thấy tôi gặp khó khăn, họ đều hết lòng giúp đỡ tôi", bà nói.

TokudAw nhận thức được những vấn đề mà du khách khuyết tật phải đối mặt vì chồng cô cũng là người khuyết tật, nhưng cô tin rằng Nhật Bản có tiềm năng lớn để trở thành điểm đến hàng đầu cho nhóm này.

"Nhật Bản có dân số già hóa, vì vậy khi chính phủ luôn quan tâm đến cải thiện cơ sở hạ tầng cho người dân cũng như giúp du khách dễ dàng tận hưởng hơn", bà nói và nhắc đến lòng hiếu khách cũng như dịch vụ chu đáo ở Nhật Bản.

Sau 17 năm sinh sống ở Nhật Bản, công ty của ông Grisdale luôn nhiệt tình hỗ trợ du khách tiếp cận dịch vụ tốt nhất ở quốc gia này.

"Giúp du khách khuyết tật tận hưởng những chuyến đi đến Nhật Bản không chỉ giúp ích cho nền kinh tế mà còn mang đến cơ hội cho những người kém may mắn được tận hưởng cuộc sống có ý nghĩa hơn", ông nói./.

Nguồn: Báo Tổ Quốc